Phản ứng Vụ Trần Trường

Trần Văn Trường

Theo Trần Văn Trường, mục đích ông treo hai biểu tượng là để thúc đẩy đối thoại trong một cộng đồng vốn không chấp nhận bất đồng chính kiến trong vấn đề bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ông xem mình là nhà đấu tranh cho tự do ngôn luận và không hối hận về việc mình làm, dù cho các cuộc biểu tình đã cướp đi công ăn việc làm của ông.[26]

Ông nói rằng mình treo cờ đỏ sao vàng vì đó là biểu tượng hiện nay của quốc gia mình, và treo hình Hồ Chí Minh vì đó là người đã giải phóng dân tộc.[27] Theo ông, nước Mỹ là một nước có tự do và ông muốn cho cộng đồng gốc Việt thấy rằng tự do có nghĩa là chấp nhận một ý kiến trái chiều. Ông không phủ nhận việc muốn đánh bóng tên tuổi mình – ông cho rằng đó là bản chất con người – nhưng nói rằng đó không phải là mục đích chính.[27]

Ông Trường cho rằng mình không phải là người Cộng sản và yêu người Việt ở cả hai nước Mỹ và Việt Nam, cũng như muốn giúp xua đuổi bóng ma chiến tranh còn ám ảnh nhiều người.[9] Ông cho biết không sợ làm điều phải. Ông không tin rằng chính quyền Việt Nam đang làm tốt và cho rằng họ phải tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, họ cần có sự giúp đỡ của cộng đồng.[9]

Trước sự việc ông Trường bị những người biểu tình tấn công khi trở lại tiệm mình để treo lên lại bức hình và lá cờ, luật sư ACLU đại diện cho ông phát biểu: "chúng tôi rất buồn và tức giận về cuộc tấn công vô nghĩa và hèn nhát". "Ông Trường đã thể hiện sự can đảm hiếm thấy trong việc theo đuổi quyền bày tỏ ý kiến của ông qua hệ thống pháp luật. Những kẻ chống lại ông bằng cách vi phạm luật rõ ràng không hiểu các trách nhiệm của mình với tư cách là công dân của một xã hội tự do và nền dân chủ lập hiến."[28]

Sau khi bị tuyên án về tội sang băng lậu, ông cho rằng án tù của mình là bất công vì tất cả những người cho thuê băng ở Little Saigon đều làm việc này. Ông và luật sư bào chữa cho rằng đây chỉ là âm mưu của giới chức thành phố Westminster để chấm dứt 53 ngày liên tục biểu tình đã làm thành phố tốn hơn 750.000 USD tiền lương cho cảnh sát.[26] Năm 2006, ông lại cho rằng mình không sang băng lậu mà "đã có hợp đồng kinh doanh với các công ty của Tàu."[2]

Một năm sau vụ biểu tình, ông cho rằng mình đã hối hận khi treo lá cờ và cảm thấy buồn đã mất quyền tự do lên tiếng. Ông nói "Họ muốn đánh tôi. Họ muốn giết tôi vì... tôi đã treo lá cờ. Đó không phải là... tự do. Trong cộng đồng người Việt không có tự do phát biểu điều mình muốn nói. Tôi đã cố gắng thảo luận và nói chuyện với họ và cho thấy sự tự do ở đây. Nhưng họ hành động như Cộng sản ở Việt Nam."[29]

Người Mỹ gốc Việt

Đối với nhiều người Mỹ gốc Việt, hình ảnh Hồ Chí Minh và lá cờ đỏ sao vàng đã khơi dậy nhiều nỗi buồn chiến tranh.[8][9] Tuy một số người công nhận quyền tự do ngôn luận của ông Trường theo hiến pháp, đối với những người Việt khác, hành động của ông được xem là một thách thức táng tận lương tâm và đáng trách.[6] Nhiều người dân Little Saigon xem đây là một sự phản bội tột cùng.[6] Ông Ngô Kỷ, một đại diện cho những người biểu tình, phát biểu: "Chúng tôi biết rằng đây là một nước tự do và bạn có quyền tự do ngôn luận, nhưng ông ta cơ bản là đã thách thức cả cộng đồng. Chúng tôi muốn lên tiếng. Người ta hiểu rằng cộng đồng người Việt tại đây thù ghét cộng sản."[22] Đối với những người biểu tình, đây là một thời điểm để đoàn kết lại chưa từng thấy để đưa một thông điệp rõ ràng đến chính quyền Việt Nam. Theo một giáo sư người Việt, "họ muốn cho chính quyền Việt Nam biết rằng nó không thể khống chế cộng động người Mỹ gốc Việt theo kiểu nó khống chế người dân [trong nước]."[12]

Trong các cuộc biểu tình, những người tham gia kể lại sự sỉ nhục, cưỡng bức và mất mát mà họ đã chịu đựng dưới tay cộng sản.[6] Một người biểu tình cho biết: "Tôi đã chứng kiến bạn bè tôi bị cộng sản giết. Mỗi khi tôi nhìn thấy lá cờ, tôi rất bực tức. Tôi vẫn thấy nó, nghe lại những phát súng. Tôi không thể nào quên được."[6] Dần dần, cuộc biểu tình trở thành một hình thức trị liệu nhóm và sử dụng các biểu tượng tang tóc. Tại một cuộc biểu tình, nhiều người để tang và đưa hình ảnh các quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hòa tử trận trong một cái hòm được phủ rèm với lá cờ Việt Nam Cộng hòa.[6]

Trong một bài xã luận đăng trên Việt Báo Kinh Tế vào ngày 1 tháng 2, tác giả nêu rõ những nỗi lo âu của người biểu tình đối với những người không cùng quan điểm. Ông nhắc đến các nỗ lực của luật sư ACLU để biến đề tài cuộc biểu tình từ một cuộc xung đột nội bộ trong dân tộc thành một cuộc đấu tranh dân quyền.[6] Theo quan điểm này, ACLU đã can thiệp vào một cuộc tranh cãi nội bộ dân tộc.[6] Đối với những người biểu tình, Trần Văn Trường là một kẻ lạc đường ngoan cố đã ác tâm khiêu khích đồng bào mình bằng cách sỉ nhục ký ức nỗi đau thương và mất mát của họ. Theo họ, đây là câu chuyện một cá nhân bị trừng phạt vì thiếu tôn trọng cộng đồng, không phải là một cuộc đấu tranh dân quyền.[6] Tuy nhiên, bài xã luận cũng kêu gọi người biểu tình phải cẩn thận trong việc biểu tình, để chẳng những nhận sự chấp nhận của người Mỹ, mà còn của giới trẻ: "chúng ta cần phải tuân thủ pháp luật và giữ bình tĩnh vì chế độ Hà Nội lúc nào cũng tìm cách xâm nhập vào nước Mỹ."[6]

Phản ứng của giới trẻ cũng được chú ý. Sau bài viết của Daniel Tsang trên tờ Los Angeles Times về việc thế hệ trẻ người Việt ở Mỹ không còn quan tâm đến các đường lối chính trị chia rẽ của cha ông,[18] hơn 25 hội đoàn người Việt trẻ (bao gồm các hội sinh viên và tôn giáo) đã tổ chức cuộc thắp nến quy tụ nhiều người nhất từng thấy trong suốt cuộc biểu tình.[6][19] Chẳng những thể hiện sự đoàn kết với thế hệ trước, giới trẻ người Mỹ gốc Việt đã giành vị trí là thành viên cũng như nhà lãnh đạo trong cộng đồng.[19] Nhà hoạt động Đỗ Hoàng Điềm phát biểu: "Ông ấy nói rằng thế hệ trẻ không quan tâm. Điều đó quả là sai lầm. Chúng tôi quan tâm. Chúng tôi còn để ý đến viễn cảnh nữa."[30] Các nhà tổ chức miêu tả cuộc biểu tình không phải là việc khơi lại quá khứ mà là hướng đến tương lai – lên án các vụ vi phạm nhân quyền đang diễn ra tại Việt Nam.[7]

Cuộc thắp nến đêm 26 tháng 2 có sự tham gia của nhiều người thuộc giới trẻ hơn những cuộc biểu tình trước đó. Theo những người tổ chức, mục đích của cuộc thắp nến này là kêu gọi đoàn kết trong cộng đồng và làm nổi bật tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Họ muốn đưa ra hình ảnh một cộng đồng nhập cư có phẩm cách nhưng vẫn chống cộng, trái với hình ảnh giận dữ và xung đột mà báo chí đã đưa trong những cuộc biểu tình trước đó.[11]

Đối với những người biểu tình, điều quan trọng là cộng đồng thể hiện sự đoàn kết, nói lên một tiếng nói về cộng đồng của những người tị nạn đã phải chịu đựng và căm phẫn cộng sản.[19] Chẳng những nhận sự ủng hộ và tham gia của người Việt từ mọi tầng lớp xã hội, một trong những giây phút ấn tượng nhất trong cuộc biểu tình là khi những nhà lãnh đạo của các tổ chức cộng đồng người Việt đang cạnh tranh nhau ở miền Nam California đã bắt tay nhau.[6]

Nghị viên thành phố Westminster Tony Lâm, lúc đó là người gốc Việt duy nhất được bầu vào một hội đồng thành phố ở Mỹ, theo lời khuyên của luật sư thành phố đã không tham gia cuộc biểu tình để khỏi gây ra ấn tượng rằng thành phố ủng hộ cuộc biểu tình. Việc này dẫn đến việc nhiều người tẩy chay nhà hàng của ông và tiến hành thủ tục đòi bãi nhiệm ông sau cuộc biểu tình.[6][7]

Các tổ chức truyền thông tiếng Việt liên tục tường trình các diễn biến sự kiện cho cộng đồng chẳng những ở miền Nam California mà còn truyền đi các cộng đồng người Việt lớn khác khắp nước Mỹ và thế giới.[31] Cách xa miền nam California hàng trăm đến hàng ngàn dặm, cộng đồng người Việt ở San Jose và Houston, Texas cũng tổ chức các cuộc biểu tình để hưởng ứng.[6][32][31] Tại DallasAustin, Texas, một hội nghị về các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam được tổ chức. Người Việt ở vùng thủ đô Washington, D.C. cũng tổ chức một cuộc biểu tình trước đại sứ quán Việt Nam.[31] Cộng đồng người Việt tại Mỹ lo sợ rằng hành động của ông Trường có sự giật dây của chính quyền cộng sản Việt Nam[33] và sẽ có nhiều vụ treo cờ tương tự sẽ diễn ra tại các địa điểm khác.[34]

Người Mỹ bản xứ

Cuộc biểu tình đã nhận được sự chú ý trên báo chí khắp nước Mỹ cũng như thế giới và được tường trình trên các phương tiện truyền thông bằng tiếng Anh không những ở địa phương[8][7] mà còn cả toàn quốc[9][27][35] và quốc tế.[36]

Cuộc biểu tình nhận nhiều ý kiến trái chiều từ người Mỹ ở địa phương và toàn quốc. Nhiều người Mỹ xem đây là một cuộc biểu tình chống cộng đơn thuần.[7] Đại diện Hội Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam của Mỹ tại quận Cam kêu gọi những người biểu tình giải quyết tranh cãi với ông Trường một cách ôn hòa.[8] Tổ chức ACLU lên tiếng ủng hộ quyền tự do ngôn luận của ông Trường, cho rằng việc buộc ông tháo bỏ các biểu tượng vì lý do đã gây ra phiền toái công cộng là vi hiến, và vào cuộc để bào chữa cho ông.[37] Đối với "xã hội dòng chính", vụ Trần Trường luôn là một tranh cãi về tự do ngôn luận và quyền trong tu chính án I.[6][12]

Trong một bức thư gửi đến tòa soạn tờ Los Angeles Times, một cư dân thành phố Redondo Beach viết: "Tôi rất ghê tởm đối với cuộc biểu tình tại khu Little Saigon ở Westminster. Tôi nghĩ rằng những người biểu tình phải bị trục xuất ngay lập tức... Đây là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Dù hình ảnh Cộng sản được trưng bày đó có đáng ghét đến mấy, cá nhân đó vẫn có quyền trưng bày nó. Bọn người này đến từ một nước mà chữ 'tự do' và 'quyền' không có nghĩa lý gì và rõ ràng họ đã chưa học từ khi họ đến đây. Và đúng, tôi là một Cựu chiến binh Việt Nam."[6] Phát biểu này thể hiện quan điểm rằng những người biểu tình không phải là "người Mỹ thật sự" hiểu biết "ý nghĩa của chữ tự do". Lời nói đó vang dội những ý tưởng của những người Mỹ bản xứ khi muốn loại bỏ các thành phần không được hoan nghênh.[6]

Cũng trên tờ Los Angeles Times, nhà báo Dana Parson viết về sự mỉa mai khi những người chống cộng biểu tình chống ông Trường vừa lên án sự đàn áp tự do ở Việt Nam vừa đồng thời đòi tước quyền tự do được tòa án bảo vệ của ông.[38] Quan điểm này cũng tương tự như của ACLU khi luật sư bào chữa ông Trường phát biểu rằng: "thật là một sự mỉa mai đáng buồn khi rất nhiều những người chỉ trích ông Trần [Trường] đã rời bỏ Việt Nam để đi tìm chính cái quyền tự do ngôn luận mà bây giờ họ muốn bóp nghẹt."[37] Parson còn cho rằng những người biểu tình đã biến ông Trường thành một tử đạo và kêu gọi cảnh sát giải tán đám đông đang gây cản trở đến việc làm ăn trong khu vực.[38]

Cũng có một số cựu chiến binh Mỹ ủng hộ những người biểu tình và đã tham gia biểu tình.[6] Một người từ Anaheim viết thư đến tòa soạn báo Orange County Register: "là một cựu chiến binh Việt Nam, tôi ủng hộ những người biểu tình phản đối bức hình Hồ Chí Minh... Do quý ông này thuận ý với chính quyền cộng sản ở quê hương ông ta, cứ để ông ta trở về để sống dưới chính quyền đó."[6] Mặc dù ý kiến này đồng tình với người biểu tình, giải pháp đưa ra cho ông Trường cũng giống như giải pháp những người không ủng hộ đưa cho người biểu tình: nếu không thích các quyền của mình ở nước Mỹ này, xin mời ông trở về Việt Nam.[6]

Giới chức Mỹ

Chính quyền thành phố Westminster đã phải huy động hơn 200 cảnh sát để giữ trật tự và bắt giữ 52 người biểu tình.[24] Thành phố phải chi ra hơn 750.000 đô la để trả tiền lương cho nhân viên trong suốt cuộc biểu tình.[26] Cảnh sát đã hộ tống ông Trường và vợ ông khi họ được phép treo lại các biểu tượng.[24]

Trong lúc cuộc biểu tình đang diễn ra, người ta nghe một số từ ngữ miệt thị dân tộc trên tần số radio của cảnh sát, kêu gọi cảnh sát bắn người biểu tình.[24] Cuộc điều tra cho thấy lời đó không phải do cảnh sát nói mà là của một kẻ lạ đột nhập.[39]

Nghị viên Tony Lâm, người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào hội đồng thành phố Westminster, theo lời khuyên của luật sư thành phố đã không tham gia cuộc biểu tình vì không muốn gây phiền toái cho thành phố, đã trở thành một mục tiêu chống đối của nhiều người biểu tình.[7] Ngược lại, một số giới chức không phải người Việt như Dân biểu liên bang Ed Royce, Dân biểu tiểu bang Ken Maddox, Thượng nghị sĩ tiểu bang Joe Dunn và Công tố viên Quận Cam Tony Rackauckas đã đến để ủng hộ người biểu tình.[40]

Nghị viên Westminster Margie Rice (sau này trở thành thị trưởng) cho biết rằng tuy bà ủng hộ sự trỗi dậy của cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong thành phố, các cuộc tuần hành ồn ào và tắc nghẽn giao thông đã gây căng thẳng với những người dân sắc tộc khác. Bà nói "họ rất chăm chỉ và tận tụy, nhưng họ cần phải chuyển lòng trung thành của họ đến với thành phố đã cho họ một nơi trú ẩn an toàn."[24] Bà cũng nói "Tôi cảm thấy họ [người Việt] đang tiếp quản thành phố của chúng tôi, rõ ràng là vậy. Tôi cứ tưởng rằng sau khoảng 20 năm sinh sống tại đây và được quyền tự do làm những điều họ muốn, họ đã bình tĩnh lại. Chúa ơi, [họ] còn tiếp tục cuộc chiến này bao lâu nữa?"[12]

Hệ thống tư pháp cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc biểu tình. Ban đầu, tòa án ra lệnh ông Trường dẹp các biểu tượng xuống nhưng sau đó cho phép ông thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình bằng cách treo lại các biểu tượng.[24] Cuối cùng, cuộc biểu tình cũng kết thúc sau khi ông Trường bị truy tố về tội sang băng lậu.[24]

Phía Việt Nam

Chính quyền Việt Nam cũng tỏ vẻ quan tâm đến sự kiện này. Trong lúc các cuộc biểu tình đang diễn ra, Tòa Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco đã gọi điện thoại cho Trần Văn Trường, tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ.[6] Ngày 23 tháng 1, Đại sứ quán Việt Nam tại Washington D.C. phát biểu với báo chí: "Đại sứ quán Việt Nam quan ngại sâu sắc và mạnh mẽ phản đối các hành động bạo lực đối với ông Trần Trường và yêu cầu quyền tự do tư tưởng cũng như sức khỏe của ông được tôn trọng và bảo vệ."[6][41] Ngày 19 tháng 2, Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco bác bỏ tin đồn rằng sân bay ở Hà Nội đang thu phí 50 đô la cho mỗi người đến để ủng hộ ông Trường.[33]

Nhận xét về các hành động của ông Trường, báo Tiền Phong năm 2006 viết ông "đã góp phần làm dấy lên tinh thần yêu nước của người Việt trên đất Mỹ... cho dù bị nhiều kẻ phản đối, đánh đập"[42] và miêu tả ông là một "Việt kiều yêu nước".[43] Báo Tuổi Trẻ năm 2006 miêu tả các hành động của những người biểu tình như sau: "Không làm gì được ông, họ tổ chức treo cờ vàng ba sọc che lấp cửa hiệu ông suốt 53 ngày. Vụ việc kéo dài đến năm 2001, họ tổ chức đập phá cửa hàng ông rồi vu ông hành nghề sang băng lậu."[44]

Tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật của thành phố đã đăng một bài viết đưa vụ Trần Trường như một ví dụ về việc những người phe phái "quốc gia" xem chính quyền Việt Nam "như cái đòn kê, như tấm thớt để tỏ bày hờn giận hận thù", vì "ồn ào tỏ ra hận thù kiểu đó nhiều khi chẳng mất vốn mà lại rất nhiều lời".[45]

Năm 2019, trong một cuộc phỏng vấn trên báo Nhân Dân với Luật sư Phùng Tuệ Châu, một người Mỹ gốc Việt được tờ báo miêu tả là "tỉnh ngộ", bà Châu nêu lên quan điểm rằng vụ Trần Trường đã bị "những kẻ chống cộng cực đoan" lợi dụng để xin tiền. Bà cho biết "tôi đã nói với Trần Trường ông đang bị bọn chống cộng cực đoan lợi dụng".[3]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ Trần Trường http://cothommagazine.com/index.php?option=com_con... http://saigontimesusa.com/bai/sinhhoat/1669a.shtml http://content.time.com/time/world/article/0,8599,... http://digitallibrary.usc.edu/cdm/ref/collection/p... http://home.earthlink.net/~saigonusa/thefilm.htm http://content.cdlib.org/view?docId=hb28700442;NAA... http://www.oac.cdlib.org/findaid/ark:/13030/kt8580... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/285059.stm http://www.phuthodfa.gov.vn/kieu-bao/1005/-qua-bom...